Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN

Đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Fri May 16 23:12:00 GMT+07:00 2025

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ký ban hành Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các địa phương đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị cần rà soát các dự án để đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời (ảnh minh họa)

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tích cực thông tin, tuyên truyền gương người tốt việc tốt trong THTK, CLP. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự tham gia đóng góp một cách có trách nhiệm của tất cả các đơn vị, địa phương. Công tác phòng, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có tiến độ, chỉ tiêu cụ thể, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí và phải được tiến hành thường xuyên; kế hoạch thực hiện phải đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả); gắn kết các kết quả từ công tác phòng, chống lãng phí với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10,5% trở lên; xác định kết quả thu được từ công tác phòng, chống lãng phí là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống khác.

Chỉ thị cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết thủ tục hành chính. (Trong ảnh: Thành viên Đoàn kiểm tra công vụ, cải cách hành chính của tỉnh kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính, thủ tục hành chính tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình)

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương thường xuyên rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các thủ tục hành chính rườm rà, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trong đó quán triệt thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm tầng nấc trung gian, chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch, đầy đủ thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; đẩy nhanh triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông; 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, ngành, địa phương.

Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch, đầy đủ thủ tục hành chính

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương có hình thức kỷ luật nghiêm minh, có tính răn đe cao đối với hành vi vi phạm, nhưng không làm mất đi động lực phấn đấu của các bộ phận cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi; kịp thời khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, xác định đây là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giúp minh bạch hóa thông tin, không gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát; đồng bộ hóa hạ tầng số, liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan không để tình trạng mỗi đơn vị vận hành một hệ thống riêng lẻ; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo bám sát mục tiêu và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Các địa phương, đơn vị cần rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả; định kỳ hàng quý (trước ngày 15 của tháng cuối quý), gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30 của tháng cuối quý. Đối với các dự án còn tồn đọng, dừng thi công kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính khẩn trương tổng hợp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phân định làm rõ các nhóm nguyên nhân, phương án xử lý và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý để giải quyết dứt điểm, sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án phát huy hiệu quả đầu tư, không để tình trạng tiếp tục lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp; xây dựng cơ chế phối hợp chia sẻ dữ liệu, quy trình xử lý liên thông giữa các sở, ngành, địa phương; đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng lợi ích nhóm, bao che sai phạm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước...

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1588518