Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Lễ đón nhận bằng Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm cuộc mít tinh tại đình Quan Đế (28/3/1945)

2024-03-30 09:34:00.0

Buổi chiều 29/3/2024, Đảng ủy - HĐND - UBND - MTTQ thị trấn Chợ Chu tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Địa điểm cuộc mít tinh tại đình Quan Đế (28/3/1945).

Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Khắc Kiên - Ủy viên BTV Huyện ủy - Phó chủ tịch HĐND huyện - Ủy viên BTV phụ trách Đảng bộ thị trấn Chợ Chu, cùng các đ/c lãnh đạo UBND huyện, Phòng VH&TT huyện; Đảng ủy, nguyên bí thư Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, công chức chuyên môn, bí thư-phó bí thư chi bộ, trưởng Ban CTMT, tổ trưởng Tổ dân phố, trường học, trạm y tế trên địa bàn thị trấn Chợ Chu, cùng các đồng chí phóng viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Định Hóa đến dự và đưa tin.

Đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ

Ngày 28/12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định số 3379/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh. Địa điểm cuộc mít tinh tại đình Quan Đế (28/3/1945), nơi đây đại diện Mặt trận Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai do thực dân pháp dựng lên tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Ngược dòng thời gian:  Ngày 9/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp, quân Pháp đầu hàng dâng nước ta cho Nhật. Chỉ sau đó một ngày (10/3/1945), quân Nhật tràn vào Thái Nguyên. Bộ chỉ huy Nhật cho lính lên đồn Chợ Chu bắt đồn trưởng người Pháp đưa về Thái Nguyên tống giam, hai đại đội lính Tây Nguyên, cùng bọn chỉ huy hoang mang lo sợ vứt bỏ mọi thứ tháo chạy sang Tuyên Quang. Tri châu Hà Sĩ Tinh hoang mang, định chạy trốn; nhưng sau đó đã sử dụng 300 lính ở 3 tổng: Định Biên Hạ, Phượng Vĩ Hạ, Phượng Vĩ Thượng, cùng với đơn vị lính khố xanh, lính cơ tổ chức cố thủ, bảo vệ phủ đường, chờ đón quân Nhật.

Đ/c Dương Mạnh Hùng-Chủ tịch UBND thị trấn đọc diễn văn buổi Lễ

Về phía cách mạng, các đồng chí lãnh đạo nhận định tình hình lộn xộn diễn ra ở Chợ Chu khi Nhật hất cẳng Pháp là thời cơ có một không hai cho nhân dân Định Hóa nổi dậy giành chính quyền. Do chưa nhận được lệnh của lãnh đạo chiến khu, nên các cơ sở ở Định Hóa tích cực chuẩn bị bổ sung vũ khí cho tự vệ Bãi Lềnh, Bãi Hội, phát động quần chúng chuẩn bị lực lượng chính trị ở Chợ Chu và các xã. Trong lúc đang tích cực chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa thì nhận được chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, lãnh đạo địa phương quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Kế hoạch khởi nghĩa đang được phổ biến đến các xã thì được tin trung đội Cứu quốc quân do đồng chí Tạ Xuân Thu và Chu Phóng chỉ huy sau khi giải phóng huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đang trên đường tiến sang Định Hóa. Để phối hợp hành động, lãnh đạo địa phương cử người đi đón.

Trưa ngày 25/3/1945, hai bên gặp nhau trên đỉnh đèo Muồng thuộc xã Bảo Linh giáp ranh với đất Tuyên Quang. Sau khi nắm tình hình, hai bên thống nhất bổ sung kế hoạch khởi nghĩa, lực lượng quân sự chủ chốt là Cứu quốc quân và lực lượng du kích các xã cùng phối hợp tác chiến. Cứu quốc quân bắt tên Chưởng bạ xã Bảo Cường rồi lại tha. Kế hoạch bị lộ, nên lãnh đạo hai bên quyết định tấn công đồn Chợ Chu ngay đêm 25/3/1945. Lực lượng vũ trang chia thành ba bộ phận. Bộ phận thứ nhất gồm tiểu đội du kích xã Nghĩa Trang (xã Kim Sơn) và một tiểu đội Cứu quốc quân do đồng chí Hoàng Thượng và Lộc Văn Tư chỉ huy có trách nhiệm hành quân đi trước bí mật tiêu diệt các điểm canh ở Bảo Biên và đình Làng Hoèn (xã Phúc Chu), án ngữ con đường từ Đèo Muồng ra Chợ Chu cùng với tiểu đội du kích xã Nghĩa Trang nhanh chóng bao vây châu lỵ Định Hóa. Bộ phận thứ hai gồm 10 người do ông Hoàng Ngọc Đỉnh chỉ huy, bí mật giả làm người đi chợ (ngủ tại quán Chợ Chu), ém quân tại Chợ Chu, có nhiệm vụ gìn giữ an ninh trật tự khi quân ta nổ sung đánh vào các mục tiêu; đồng thời bảo vệ hai kho thóc liên đoàn của Nhật đặt tại sòng bạc Chợ Chu, ngăn chặn không để tình trạng cướp bóc xảy ra, bảo vệ và trấn an tư tưởng nhân dân. Bộ phận thứ ba gồm hai tiểu đội Cứu quốc quân do đồng chí Tạ Xuân Thu và Chu Phóng chỉ huy tấn công đồn khố xanh.

3 giờ sáng ngày 26/3/1945, Ban chỉ huy thống nhất ra lệnh cho lực lượng du kích Chợ Chu nổ pháo đùng ở nhiều điểm để làm hiệu lệnh tấn công và nghi binh làm cho địch tưởng quân cách mạng rất nhiều súng đạn. Bọn lính khố xanh lực lượng chủ lực của địch vốn đã hoang mang càng hoang mang hơn chỉ chống cự yếu ớt rồi bỏ đồn vứt súng tháo chạy hoảng loạn. Tại châu lỵ Định Hóa, Tri châu Hà Sĩ Tinh không chống cự nổi quân cách mạng đã bỏ thuộc hạ chạy trốn. Lính cơ, lính dõng vứt bỏ vũ khí chạy thục mạng. Tổng đoàn Lý Minh Vân (là người của cách mạng) mở cửa đồn cho quân cách mạng tràn vào chiếm phủ đường, tịch thu giấy tờ, sổ sách. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc phủ đường. Tại Chợ Chu, lực lượng do ông Hoàng Ngọc Đỉnh chỉ huy cắm cờ đỏ sao vàng lên đình Quan Đế. Trước khí thế của quân cách mạng, quần chúng Chợ Chu vô cùng phấn khởi nấu cơm tiếp tế cho quân khởi nghĩa, đồng thời phối hợp với Cứu quốc quân lùng bắt những tên tay sai ngoan cố, tước vũ khí tàn binh địch. Hà Sĩ Tinh lẫn trốn tại nhà Lường Cắm Quay ở Đồng Màn, xã Định Biên Trung bị quân cách mạng bao vây, cùng đường phải ra đầu thú. Tiếp đó, quần chúng Chợ Chu kéo lên phá Nhà tù Chợ Chu giải phóng 200 người tù, thu chiến lợi phẩm cho quân cách mạng.

Trưa ngày 27/3/1945, dưới sự chỉ huy của ông Triệu Văn Cắt (tức Hồng Thắng), quần chúng Chợ Chu phá kho thóc liên đoàn của Nhật, lấy thóc chia một phần cho dân nghèo, sau cử người cùng đoàn dân công của châu chuyển số thóc còn lại về Bãi Lềnh, xã Định Biên Trung cất giấu để phục vụ cho hoạt động cách mạng.

Trong niềm vui chiến thắng, sáng ngày 28/3/1945, hàng ngàn quần chúng Chợ Chu và nhân dân các xã trong huyện Định Hóa nô nức trương cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, tấp nập kéo về đình Quan Đế, phố Chợ Chu họp mít tinh chào mừng quân cách mạng. Tại cuộc mít tinh lịch sử này, đại diện Mặt trận Việt Minh tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền tay sai của thực dân Pháp từ Châu lỵ đến các tổng, xã, giải thích chính sách của Việt Minh, hô hào nhân dân tích cực tham gia các đoàn thể, bảo vệ thành quả cách mạng.

Định Hóa hoàn toàn được giải phóng, những người dân từ địa vị nô lệ bị đè nén, áp bức, bóc lột, đã trở thành người chủ của chính quê hương mình. Nhân dân Chợ Chu, Định Hóa bao năm sống dưới ách kìm kẹp của mấy tầng áp bức, bóc lột đã phải chứng kiến và chịu đựng bao cảnh đau thương, tang tóc, nay được Đảng, được cách mạng giải phóng, mang lại cuộc sống mới tự do, vui mừng thoát khỏi gông cùm của chế độ thực dân, phong kiến. Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên từng mái nhà. Đình Quan Đế ở phố Chợ Chu sau ngày 28/3/1945, trở thành trụ sở thường trực của Việt Minh châu Định Hóa. 

Đ/c Hoàng Thị Ngà - Ủy viên BCH Đảng bộ huyện-Trưởng Phòng VH&TT đọc QĐ Công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm cuộc mít tinh tại đình Quan Đế (28/3/1945)

Đ/c Nguyễn Khắc Kiên - Ủy viên BTV Huyện ủy - Phó chủ tịch HĐND huyện, đ/c Nguyễn Quang Sáng Ủy viên BCH Đảng bộ huyện-Phó chủ tịch UBND huyện Trao Quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử và tặng hoa chúc mừng

Địa điểm cuộc mít tinh tại phố Chợ Chu, huyện Định Hóa (28/3/1945), đại diện Mặt trận Việt Minh tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai do thực dân Pháp dựng lên đã trở thành một di tích lịch sử, một dấu ấn đã ăn sâu trong tiềm thức của nhân dân địa phương. Sự kiện lịch sử đó ghi dấu sự hoạt động, sự cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo huyện Định Hóa trong giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền. Địa điểm cuộc mít tinh tại đình Quan Đế (28/3/1945) được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, đây không chỉ là niềm vinh dự của Nhân dân các dân tộc thị trân Chợ Chu, mà còn là niềm tự hào của toàn thể Nhân dân  huyện Định Hóa nói chung./.

Quốc Hậu
Văn hóa

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1562897